Giấy phép môi trường là gì và tại sao ngày càng có nhiều đối tượng phải có; Đây là câu hỏi của rất nhiều người đặt ra, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Việc này có xuất phát từ nguyên nhân môi trường sống của con người ngày càng bị ô nhiễm và đòi hỏi các cơ quan Nhà nước phải có các biện pháp để bảo vệ môi trường. Việc ô nhiễm môi trường ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như sự phát triển của con người. Tỷ lệ người mắc bệnh ngày càng tăng, nguồn nước sạch cạn kiệt dần và không khí trở lên ngột ngạt theo thời gian.
Ô nhiễm môi trường thúc đẩy sự quan tâm của toàn xã hội
Chính vì các nguyên nhân đó mà việc bảo vệ môi trường trở lên cực kỳ quan trọng. Khi bất cứ một cá nhân hay tổ chức nào muốn thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh mà những hoạt động đó có thể có ảnh hưởng đến môi trường đều phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Quá trình xin chấp thuận được hiểu là việc các cơ quan Nhà nước thẩm định, đánh giá và cuối cùng là cấp cho đối tượng có nhu cầu một văn bản được phép hoạt động. Đây chính là giấy phép môi trường.
Giấy phép môi trường là văn bản được quy định trong pháp luật môi trường
Theo quy định tại Khoản 8 của Điều 3 – Luật bảo vệ môi trường: “Giấy phép môi trường là văn bản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép xả chất thải ra môi trường, quản lý chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất kèm theo yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật”.
Các đối tượng phải xin giấy phép theo quy định của Luật bảo vệ môi trường:
“. Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.
2. Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thuộc trường hợp dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công được miễn giấy phép môi trường.”
Nội dung của Giấy phép môi trường
“1. Nội dung giấy phép môi trường gồm thông tin chung về dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; nội dung cấp phép môi trường; yêu cầu về bảo vệ môi trường; thời hạn của giấy phép môi trường; nội dung khác (nếu có).
2. Nội dung cấp phép môi trường bao gồm:
a) Nguồn phát sinh nước thải; lưu lượng xả nước thải tối đa; dòng nước thải; các chất ô nhiễm và giá trị giới hạn của các chất ô nhiễm theo dòng nước thải; vị trí, phương thức xả nước thải và nguồn tiếp nhận nước thải;
b) Nguồn phát sinh khí thải; lưu lượng xả khí thải tối đa; dòng khí thải; các chất ô nhiễm và giá trị giới hạn của các chất ô nhiễm theo dòng khí thải; vị trí, phương thức xả khí thải;
c) Nguồn phát sinh và giá trị giới hạn đối với tiếng ồn, độ rung;
d) Công trình, hệ thống thiết bị xử lý chất thải nguy hại; mã chất thải nguy hại và khối lượng được phép xử lý, số lượng trạm trung chuyển chất thải nguy hại, địa bàn hoạt động đối với dự án đầu tư, cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại;
đ) Loại, khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu đối với dự án đầu tư, cơ sở có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.
Điều kiện bảo vệ môi trường ngày càng chặt chẽ
3. Yêu cầu về bảo vệ môi trường bao gồm:
a) Có công trình, biện pháp thu gom, xử lý nước thải, khí thải, giảm thiểu tiếng ồn, độ rung đáp ứng yêu cầu; trường hợp xả nước thải vào công trình thủy lợi phải có các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với nguồn nước công trình thủy lợi;
b) Có biện pháp, hệ thống, công trình, thiết bị lưu giữ, vận chuyển, trung chuyển, sơ chế, xử lý đáp ứng yêu cầu quy trình kỹ thuật và quản lý đối với dự án đầu tư, cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại;
c) Có kho, bãi lưu giữ phế liệu đáp ứng quy định; hệ thống thiết bị tái chế; phương án xử lý tạp chất; phương án tái xuất đối với dự án đầu tư, cơ sở có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;
d) Có kế hoạch quản lý và giám sát môi trường, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; trang thiết bị, công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, quan trắc môi trường;
đ) Quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại; cải tạo, phục hồi môi trường; bồi hoàn đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật;
e) Yêu cầu khác về bảo vệ môi trường (nếu có).
Giấy phép môi trường không phải vô thời hạn
4. Thời hạn của giấy phép môi trường được quy định như sau:
a) 07 năm đối với dự án đầu tư nhóm I;
b) 07 năm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như dự án đầu tư nhóm I;
c) 10 năm đối với đối tượng không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này;
d) Thời hạn của giấy phép môi trường có thể ngắn hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, cơ sở, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp (sau đây gọi chung là chủ dự án đầu tư, cơ sở).
5. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành mẫu giấy phép môi trường.”
Việc quản lý, thẩm định, cấp phép được phân cấp theo từng cơ quan, vùng lãnh thổ
Như vậy, giấy phép môi trường là có thời hạn và đối với từng loại ngành nghề, dự án sẽ khác nhau. Cơ quan ban hành mẫu giấy phép là Bộ tài nguyên và Môi trường và là đầu mối quản lý trung ương trong lĩnh vực môi trường. Việc xin cấp giấy phép môi trường là bắt buộc đối với một số ngành nghề. Trường hợp cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm có thể sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với các sở, ủy ban cấp dưới sẽ quản lý theo địa phương. Nếu cần tư vấn, giải đáp hoặc có các vướng mắc, tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực môi trường; quý khách hàng có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua số điện thoại 0906.238.583 – 0904.680.383.